Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Từ bao đời này, những rặng dừa xanh đã là hình ảnh đặc trưng của Bến Tre cũng như vị ngọt ngào của kẹo dừa Bến Tre đã làm nên thương hiệu cho vùng đất còn lắm nỗi nhọc nhắn này. Đất Bến Tre không giàu nhưng người dân Bến Tre luôn giàu tình nghĩa, và kẹo dừa Bến Tre thì đậm đà, ngọt ngào như chính người dân nơi đây.
Ở khu vực Nam Bộ có nhiều nơi sản xuất kẹo dừa, nhưng thơm ngon nhất vẫn là kẹo dừa Bến Tre, và đặc biệt là kẹo Mỏ Cày. Thế nên mới có câu ca dao lưu truyền từ ngàn xưa đến nay“ Chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh”. Có lẽ bởi thiên nhiên đã ưu ái cho Bến Tre cả rừng dừa bạt ngàn, trong đó dừa Mỏ Cày cho trái sai quằn, cùi dày, chất lượng dầu béo cao nhất vùng. Dừa Mỏ Cày nói riêng và dừa Bến Tre nói chung đều có vị ngọt thanh đặc trưng và là nguyên liệu tốt nhất cho việc chế biến kẹo.
Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là …những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Nếu không thì những địa phương khác có trồng nhiều dừa, có đường mía, có mạch nha ngon vẫn có thể làm được kẹo dừa từ lâu. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Ruộng lúa được chọn lấy nếp phải không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.
Công đoạn nấu mạch nha cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thợ nấu mạch nha phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tay nghề điêu luyện. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô hay còn gọi là “rám vàng” để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định …Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Ngày nay, người dân Bến Tre với bản tính phóng khoáng, không câu nệ đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng v.v…mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Kẹo dừa Bến Tre giờ đây không chỉ là đặc sản mà nghề chế biến kẹo dừa còn góp phần cải thiện cuộc sống của ngừơi dân nghèo địa phương. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương v.v….đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.
Kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch. Với du khách gần xa, kẹo dừa là món quà đậm đà tình người, tình đất Bến Tre. Với những người con Bến Tre xa quê, ăn một miếng kẹo dừa lại thấy nhớ quê hương, nhớ những rặng dừa xanh mát rượi, nhớ dòng sông quê mênh mông nước, nhớ đến những con người đã toàn tâm toàn ý làm ra món kẹo dừa thơm ngon nức tiếng gần xa…