Công tác khuyến công địa phương cũng tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thết bị tiên tiến vào sản xuất kẹo dừa: hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến, đổi

Theo đại diện của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển tỉnh Bến Tre, hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.900 cơ sở chế biến dừa. Hầu hết các sản phẩm chế biến từ dừa chủ yếu như cơm dừa nạo sấy, mụn dừa, kẹo dừa, than hoạt tính, than thiêu kết, thạch dừa, sữa dừa. Trong đó các sản phẩm cơm dừa nạo sấy, sữa dừa là sản phẩm chủ lực trong ngành được ưu tiên đầu tư, phát triển.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm từ dừa, thời gian tới Bến Tre sẽ phát triển công nghiệp chế biến dừa theo hướng đầu tư chiều sâu sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Đồng thời, thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia, tỉnh hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, cải tiến bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Thiết bị 5 chảo tại Cơ sở Kiên Long được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre hỗ trợ

Đặc biệt, công tác khuyến công địa phương cũng tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thết bị tiên tiến vào sản xuất kẹo dừa: hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến, đổi mới công nghệ, mở rộng, phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Ngày 9/10/2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bến Tre phối hợp với Cơ sở Kiên Long tổ chức nghiệm thu cơ sở Đề án Khuyến công quốc gia (KCQG) năm 2017 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất kẹo dừa”.

Cơ sở Kiên Long được thành lập từ năm 2005 sản xuất các sản phẩm từ kẹo dừa, ban đầu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng khoảng 200kg/ngày, giải quyết việc làm cho 12 lao động. Đến nay, cơ sở đã từng bước mở rộng và đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, với sản lượng khoảng 600 tấn/năm và giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương.

Nhiều cơ sở sản xuất kẹo dừa và các sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh cũng được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị

Theo chủ cơ sở sản xuất kẹo dừa Kiên Long, nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Nguyên liệu không chỉ ngon mà còn phải tinh tế.

Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.

Những trái dừa để làm kẹo là những trái bắt đầu khô, già. Lúc này, dừa có hương vị đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ…

Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Tuy nhiên, cũng theo ông chủ của cơ sở Kiên Long, trong dây chuyền sản xuất tại cơ sở có nhiều công đoạn còn hạn chế, đặc biệt là công đoạn sử dụng hệ thống cô đặc theo cách thủ công truyền thống nên dẫn đến có nhiều thất thoát về nguyên vật liệu, nhiên liêu… tạo ra nhiều khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, sức khỏe công nhân và có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao, đồng thời chất lượng kẹo lại không đồng đều và sản phẩm dễ bị cháy khét.

Để giải quyết những hạn chế của công đoạn nêu trên, được sự tư vấn của các chuyên gia và qua tham quan, học tập những đơn vị đã đầu tư cụm thiết bị chảo và nồi hơi (01 nồi hơi và 05 chảo) để thay thế cho hệ thống chảo và nồi hơi truyền thống trong sản xuất kẹo dừa, cơ sở quyết định đầu tư cụm thiết bị này để thay thết thiết bị cô đặc theo kiểu truyền thống nhằm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tải lượng chất thải dạng khí, dạng lỏng và giảm nguồn nhiên liệu đốt tại cơ sở.

Cụm thiết bị (01 nồi hơi và 05 chảo) này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống chảo và lò truyền thống như giảm nhiên liệu đốt khoảng 30% và hạn chế khí thải ra môi trường; chất lượng sản phẩm đồng nhất, giảm khoảng 50% lượng kẹo cháy khét phải bỏ đi hoặc tái chế gây ra tổn thất lớn kinh tế và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân do giảm được nhiệt độ môi trường của xưởng cô đặc từ 38 – 450C xuống còn 30 – 350C.

Sau khi được hướng dẫn về nội dng hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG năm 2017, đồng thời nhằm gia tăng sản lượng và phát triển sản xuất của đơn vị, Cơ sở Kiên Long đã chủ động đầu tư cụm thiết bị chảo và nồi hơi (01 nồi hơi và 05 chảo) và đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017 để đầu tư thiết bị trên.

Trước đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bến Tre cũng đã hỗ trợ làng nghề dệt chiếu – thảm phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở các lớp đào tạo nghề để phát triển thêm mẫu mã, kiểu dáng mới, tạo các sản phẩm đặc trưng của làng nghề; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Không những vậy, Trung còn hỗ trợ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh như: Làng nghề sản xuất mây tre đan đầu tư khôi phục vùng nguyên liệu, cải tiến công cụ lao động, mẫu mã… Làng nghề chế biến cá khô tập trung ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng nhà xưởng, hệ thống sấy, hút chân không, đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm… Làng nghề sản xuất bánh phồng, bánh tráng nghiên cứu thiết kế, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở đầu tư thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, phát triển vùng trồng nếp cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bến Tre, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng… Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bến Tre, trong những năm qua, hoạt động khuyến công của Bến Tre được triển khai khá tốt và hiệu quả; các chương trình, đề án khuyến công được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất; công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu ngày càng được quan tâm, chú trọng; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công của Bến Tre cũng ngày càng được nâng cao.