Lịch sử kẹo dừa Bến Tre
Kẹo dừa Bến Tre xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1914 trong một gia đình thuộc vùng quê Mỏ Cày – Bến Tre.
Kẹo dừa là gì?
- Kẹo dừa là một loại kẹo được chế biến từ nguyên liệu chính là cơm dừa và đường mạch nha.
- Đây là loại kẹo đặc sản và là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ dừa Bến Tre.
- Việt Nam có nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa.
Nguồn gốc kẹo dừa
Kẹo dừa Bến Tre có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày, theo các tư liệu sưu tầm được thì người đầu tiên làm ra kẹo là bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1914, cư ngụ tại khu phố 1, thị trấn Mỏ Cày.
- Vào năm 1970, bà Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1945, cư ngụ tại thị xã Bến Tre đã đổi mới cách chế biến kẹo.
- Bà thành lập cơ sở sản xuất kẹo dừa Thanh Long, cơ sở đầu tiên ở thị xã Bến Tre, và từ đó tạo ra tên kẹo dừa Bến Tre.
- Tiếp theo thành công đó, kẹo dừa mang thương hiệu bà hai Tỏ cũng được thành lập năm 1976 đến nay, hơn 35 năm phát triển và đúc kết kinh nghiệm trong kinh doanh sản xuất, công ty tự hào là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất kẹo dừa của Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung.
Cách làm kẹo dừa
- Nguyên liệu làm kẹo dừa gồm: nước cốt dừa, mạch nha, đường (trước kia người ta dùng đường thùng nhưng ngày nay dùng đường cát).
- Mạch nha được chắt lọc từ chất đường của hạt nếp khi được ủ cho lên mầm. Muốn làm kẹo ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng.
- Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là nếp tốt, hạt to chín đều, để nẩy mầm thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha.
- Thợ nấu mạch nha phải là thợ lành nghề điêu luyện. Dừa khô lựa trái “rám vàng” mới vừa hái xuống. Vì trái dừa mới bắt đầu khô này có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Đường nấu kẹo phải chọn loại đường mới, có màu vàng tươi.
Quá trình phát triển của kẹo dừa Bến Tre
- Xưa kia người ta cho tất cả nguyên liệu vào bể chứa trộn đều sau đó đun sôi rồi cho vào thạp ủ (chiều làm kẹo, sáng nấu bột).
- Trong sản xuất đại trà hiện nay, sau khi pha chế nguyên liệu xong người ta cho vào chảo, đun sôi, sử dụng máy quay được lắp sẵn trên chảo và quay cho đến khi nào kẹo “tới” thì đổ ra mâm đã bôi dầu dừa để chống dính.
- Tiếp theo, dùng vải nhựa có bôi dầu dừa để ép kẹo vào khuôn, chờ nguội rồi cắt thành viên, sau đó gói từng viên kẹo riêng rồi cho vào bao bì tùy trọng lượng đặt hàng.
- Ngày nay, người Bến Tre đã cải tiến làm thêm nhiều loại kẹo dừa có kết hợp với các nguyên liệu khác làm cho kẹo dừa Bến Tre ngày càng phong phú.
Phân loại kẹo dừa
- Lúc mới ra đời, kẹo dừa chỉ có một loại được sản xuất từ ba nguyên liệu kể trên. Đến nay, tính về chủng loại có đến gần 10 loại kẹo dừa khác nhau.
- Sự khác nhau do hương liệu và phụ gia quy định như kẹo sầu riêng, kẹo dừa đậu phộng, kẹo sôcôla, kẹo sữa trứng, kẹo dừa dứa,…
Để kẹo dừa Bến Tre phát triển, ngoài yếu tố kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cần phải tìm được đầu ra với một khối lượng lớn và ổn định.
Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề làm kẹo dừa ở Bến Tre đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống, giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế của tỉnh nhà từng bước đi lên.
Đây là hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực rất sáng tạo để đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng, để có thể mở rộng thị trường.
Du khách đến Bến Tre thường mua kẹo về làm quà cho gia đình, người thân, bè bạn. Có thể nói kẹo dừa khá gắn bó với cuộc hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch ở Bến Tre.
Hiện tại Bến Tre có 151 cơ sở sản xuất kẹo dừa, gồm 15 công ty, 9 doanh nghiệp tư nhân, số còn lại là hộ cá thể, có khả năng sản xuất trên 30.000 tấn/năm. Cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu trên địa bàn thị xã Bến Tre, huyện Mỏ Cày và Châu Thành.
Các thương hiệu kẹo dừa nổi tiếng: Thương hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà hai Tỏ, kẹo dừa Thanh Long, kẹo dừa Tuyết Mai ….