Ngoài cách làm truyền thống, nhiều xưởng sản xuất bánh kẹo đã cho ra mắt kẹo dừa 7 vị thu hút sự chú ý của các bà nội trợ, nhất là những ngày giáp Tết.
Từ lâu, nhiều người đã biết tới kẹo dừa Bến Tre. Đây không chỉ là món ăn chơi trong gia đình mà còn là món quà biếu thân tình cho bạn bè, họ hàng. Ngoài cách làm truyền thống, nhiều xưởng sản xuất bánh kẹo đã cho ra mắt kẹo dừa 7 vị hút sự chú ý của các bà nội trợ, nhất là những ngày giáp Tết.
Chị Trần Thị Ngà ở Tô Vĩnh Diện, Hà Nội – chuyên bán các loại bánh mứt kẹo trên chợ mạng, cho biết: “Cứ giáp Tết, nhà tôi lại bán các loại bánh kẹo, mứt Tết và các loại hạt phục vụ Tết Nguyên đán. Riêng kẹo dừa Bến Tre, dù được cho là khi ăn có hơi bất tiện so với các loại kẹo dẻo khác, nhưng vẫn được nhiều người mua. Thường thì kẹo dừa Bến Tre có rất ít vị, chủ yếu là kẹo dẻo nước cốt dừa, kẹo dừa dẻo đậu phộng và dừa dẻo sầu riêng”.
Nhưng năm nay, chị Ngà cho hay các xưởng bánh kẹo ở Bến Tre cho ra mắt kẹo dừa nhiều vị để đáp ứng nhu cầu thực khách.
Người phụ nữ này nói thêm, nguyên liệu làm kẹo dừa khá đơn giản, hầu như chỉ từ mạch nha và nước cốt dừa, nhưng đã làm nên món đặc sản thú vị mà thơm ngon. Hiện, thị trường đã có kẹo dừa 7 vị gồm: Dừa lá dứa, khoai môn, dừa sữa, sầu riêng, ca cao và dâu…
“Kẹo được nhập từ các lò sản xuất nổi tiếng xứ dừa Bến Tre. Đây là loại kẹo chuyên xuất khẩu đi các nước. Bình thường mọi năm, loại kẹo 7 vị này không có hàng để bán trong nước. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên thị trường xuất khẩu chững lại mới có kẹo dừa 7 vị độc đáo để bán ra thị trường”, chị Ngà chia sẻ.
Quy trình làm kẹo dừa Bến Tre khá đơn giản. Nguyên liệu chủ yếu là dừa, đường cát trắng và mạch nha được chắt lọc từ chất đường của hạt nếp khi được ủ cho lên mầm. Những nguyên liệu làm kẹo dừa đều là nguyên liệu tại chỗ. Chính bởi thế, giá thành kẹo ở Bến Tre khá mềm và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Người này cũng tiết lộ, do thóc nếp dùng nấu mạch nha là nếp tốt, dừa khô rám vàng mới có được hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Đường nấu kẹo cũng phải chọn loại đường tốt, có màu vàng tươi như nghệ, cộng với kỹ thuật đặc biệt nên đảm bảo kẹo để lâu không bị hôi dầu, không chảy nước hoặc xuống màu. Đặc biệt, kẹo có vị ngọt nhẹ nhàng, không gắt, dẻo ngon chuẩn vị.
“Kẹo dừa thường đóng thùng 10kg trộn 7 vị. Có rất nhiều khách đặt mua chung thùng 10kg này về chia nhau mỗi người 1-2kg. Khi ăn kẹo, vì được thưởng thức các loại mùi vị khác nhau nên khách hàng rất thích. Ngoài mua về ăn, các bà nội trợ còn mua để biếu Tết người thân, họ hàng, bạn bè, đối tác. Vì thế, ngày nào nhà tôi cũng cháy đơn kẹo dừa 7 vị”, chị Ngà nói.
Là một khách thường xuyên mua kẹo dừa của chị Ngà trên chợ mạng, bà Lê Thị Thúy ở Lý Nam Đế (Hà Nội) kể rằng bà là người Bắc nhưng rất thích kẹo dừa Bến Tre vì vừa ngon, vừa béo, vừa thơm. Đặc biệt, loại kẹo này không nơi nào làm giống hương vị được.
“Nhà tôi hay mua kẹo dừa Bến Tre để ăn trong gia đình hoặc biếu bạn bè, người thân mỗi dịp Tết đến. Vừa rồi biết có kẹo dừa 7 vị này, tôi mua cả chục kg tổng cộng hết 2 triệu đồng để Tết biếu họ hàng mỗi nhà 1 kg. Nghe nói để làm nên những chiếc kẹo dừa ngon, người miền Tây thường sử dụng loại dừa khô gần như còn rất ít hoặc không còn nước bên trong. Những trái dừa như vậy có cơm dầy, độ béo cao và màu trắng cho hương vị kẹo dừa thơm ngon”, bà Thúy nói.
Bà nội trợ này cũng nhận xét, bản thân bà rất thích ăn những chiếc kẹo dừa hương vị gốc ban đầu. Tuy nhiên, các thành viên trong nhà nhiều người lại thích kẹo dừa lá dứa, sầu riêng, dâu, lạc hay socola.
“Giờ hương vị của kẹo dừa ngày càng phong phú, khiến người mua tìm được nhiều hương vị thích hợp để thưởng thức. Còn các xưởng sản xuất cũng đắt hàng đặt mua hơn”.